Cửa Ông từ xa xưa là một bến thuyền có tên là Cửa Suốt. Cửa Suốt có một vị trí quan trọng, nối châu thổ sông Hồng với vùng biển biên cương Đông Bắc của Tổ quốc, nên có một tầm chiến lược cả về kinh tế, quân sự. Con đường 18A và đường số 4 ngày nay, vốn từ trước Công nguyên là con đường bộ đi qua các hải đảo, Cửa Suốt chạy men theo bờ biển lặng sóng, kín gió giống như một dòng sông nước mặn nên trong thư tịch cổ gọi là Đông Kệnh. Từ Châu Khâm (Trung Quốc) đi theo con đường thuỷ này chỉ mất 8 ngày là đến sông Bạch Đằng.

Năm 1149, thương cảng Vân Đồn mở ra buôn bán với nước ngoài, thuyền bè Trung Quốc, nước ngoài theo đường thuỷ Đông Kênh vào vịnh Hạ Long buôn bán ngày một tấp nập. Vân đồn là nơi “phong thổ và nhân vận đông đúc, giàu thịnh...”. Để kiểm soát, đánh thuế thuyền bè các nước bán buôn qua lại trên con đường thuỷ Đông Kênh vào ra cảng Vân Đồn, nhà nước phong kiến Việt Nam lập ra trạm hải quan ở Cửa Ông gọi là Đồn Suất đi tuần – Cửa Suất, sau gọi Cửa Suốt.
Ở nơi quan trọng như vậy, nhà vua thường giao trọng trách cho viên quan có tài, đức. Vào giữa đời nhà Trần, người trấn giữ Cửa Suốt là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Trần Quốc Tảng là con thứ ba của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ngay từ nhỏ ông là người “có tính khí mạnh mẽ” thích trừ bọn bạo nghịch. Năm 1285, quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2, Trần Quốc Tảng vội mang quân từ tranh ấp của mình ở An Sinh (Đông Triều), cùng cánh quân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Bà Điển lĩnh ấn tiên phong đánh giặc. Cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước thắng lợi. Trần Quốc Tảng là một trong những dũng tướng có công lớn đối với đất nước, ông được vua ban khen, cấp đất cho lập trang ấp ở Tinh Bang (tức Quảng Ninh). Đồng thời ông được nhà vua giao nhiệm vụ trấn giữ Cửa Suốt bảo vệ vùng Đông Bắc biên cương Tổ quốc. Khi ông mất, bà vô cùng thương tiếc lập đền thờ ông. Đền Cửa Ông là đền thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng.
Đền Cửa Ông xưa chỉ là một Thảo am (am cỏ) dựng dưới gốc cây cổ thụ, bên Cửa Suốt, ngay từ thuở ấy, đền Cửa Ông đã thu hút khách thập phương đến thăm viếng bày tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn người anh hùng dân tộc. Trong bài ca nhật trình của người đi biển vùng Đông Bắc có câu:
Miếu Đức Ông là nơi Cửa Suốt
Khách vãng lai thường mộ cúng dân
Đầu thế kỉ XX, cảng than Cửa Ông được xây dựng, dân cư đông đúc. Đền Cửa Ông được xây cất lại bằng gạch ngự ở vị trí hiện nay. Đền có ba khu vực: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, phân bổ ở ba vị trí khác nhau theo chiều lên cao dần, tạo thành một quần thể kiến trúc hình chân vạc trông ra vịnh Bái Tử Long hùng vĩ. Đền Thượng cao nhất, quan trọng nhất thờ Trần Quốc Tảng, thời Thánh mẫu. Lăng Trần Quốc Tảng, đền thờ Trưng Vương Thượng sĩ quây quần trên đỉnh ngọn đồi cao gần 100m, dưới tán lá xum xuê của những cây đa cổ thụ có hàng trăm năm tuổi.
Từ chân đồi, bước lên những bậc tam cấp vững chãi, đặt chân đến Tam quan là ta có thể “thu vào tầm mắt” toàn cảnh Cửa Ông với Bái Tử Long biển đẹp bao la một màu xanh tít tắp tận chân trời. Lưng đền Cửa Ông tựa vào dãy núi trùng điệp chạy dài từ Cẩm Phả đến Mông Dương. Đền Cửa Ông được người xưa khắc hoạ:
Thiên Trường lục thuỷ thông khâu tự
Tứ diện thanh sơn nhập họa đồ.
Tạm dịch:
Nghìn trùng nước biếc buông tay áo
Bốn phía non xanh tạc họa đồ.
Giữa núi non, biển trời mênh mang hùng vĩ, ngôi đền hiện lên dáng vẻ cổ kính với đường nét kiến trúc tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc, cạnh một khu công nghiệp náo nhiệt – cảng Cửa Ông hiện đại bởi hệ thống sàng than Hi-Ta-Chi và nhiều cần cẩu tháp Poóc-tích tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa quá khứ và hiện tại đầy sức sống. Giữa cái ồn ào của tiếng máy, tiếng còi tàu, ta bước vào ngôi đền linh thiêng với tấm lòng thành kính, quanh ta khói hương nghi ngút, ta như thấy được trở về cội nguồn của dân tộc, để tự hào về đất nước:
“Đất nước của những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Như buổi ngày xưa vọng nói về”
Hàng năm Hội đền Cửa Ông mở từ ngày mùng hai tháng Giêng, kéo dài hết cả tháng ba (âm lịch). Trong tiết xuân dịu mát, mưa bụi bay bay, du khách lũ lượt đổ về đền Cửa Ông thắp lên đó một nén nhang trước pho tượng lớn tạc một quan võ mặc áo hồng bào, vạt áo trước đính hổ phù. Chúng ta hãy quỳ trước tượng lâm râm đọc:
Bạch Đằng hộ chiến công, hương tướng uy danh kinh bắc địa
Hải Đông lưu linh tích, anh hùng tâm sự đến nam thiên.
Nghĩa là:
Giúp chiến thắng Bạch Đằng, tướng giỏi uy danh lừng đất Bắc
Để dấu thiêng Đông Hải, anh hùng tâm sự dải trời Nam.
|